Nối mạng gia đình
Trước hết, bạn cần gì nào?
- Hai máy tính trở lên, chạy Windows 9x/2000/XP.
- Card mạng: Chọn loại card mạng đừng tệ quá, giá khoảng 6-8 USD (hiệu Cnet,
Compex hay Prolink) là được rồi.
- Cáp mạng:
- Nếu mạng LAN của bạn có trên ba máy thì tối thiểu bạn cũng cần một cái Hub
hoặc Switch. Nếu được, nên chọn Switch đi, vì Switch chạy nhanh hơn Hub nhiều.
Lắp đặt mạng
Trước hết, gắn card mạng vào trong máy tính đã.
Card mạng có thể được gắn vào bất cứ khe cắm PCI nào còn trống trên bo mạch chủ
(mainboard). Khi gắn vào, bạn nhớ xiết ốc cho thật chặt. Nếu gắn lỏng, mạng sẽ
chạy không ổn định do các mối nối tiếp xúc “chặp chờn”. Đôi khi do gắn lỏng mà
có thể gây cháy mạch do tia lửa điện sinh ra.
Trong vài loại bo mạch chủ gần đây, card mạng được “nhúng” vào bo luôn
(on-board). Nếu dùng loại í, bạn có thể bỏ qua bước này để sang bước cài trình
điều khiển (driver) cho card mạng.
Cài đặt trình điều khiển (driver) cho card mạng
Nếu sử dụng Win2000, WinXP trở lên, bạn sẽ không gặp trở ngại gì nhiều trong
việc cài driver (gần như là không phải làm gì cả nếu card mạng là loại tân
thời).
Nếu sử dụng Win 98, và một số trường hợp Win2000 hoặc cao hơn không chịu nhận
driver, bạn sẽ phải cài bằng tay thôi. Tiêu biểu nhất là hai trường hợp sau:
- Card mạng rời: Đưa đĩa driver đi kèm theo card mạng vào (có thể là đĩa mềm
hay đĩa CD-ROM), Nếu đang chạy Win9x, bạn vào menu Start / Setting / Control
Panel. Chạy Network. Nhấn nút Add, chọn Adapter trong hộp thoại "Select Network
Component Type" và nhấn nút Add. Trong hộp thoại "Select Network Adapter" hiện
ra, chọn nhà sản xuất card mạng và loại card tương ứng, nhấn OK. Chỉ đường dẫn
đến thư mục driver. Tiếp theo, thực hiện như hướng dẫn của Windows. Nếu đang
chạy Windows 2000/XP, bạn bấm chuột phải vào biểu tượng My Computer rồi chọn
Property, hoặc mở Start / Control Panel / System / Hardware / Device Manager.
Bạn sẽ thấy card mạng hiện dấu “?”. Bấm chuột phải vào card mạng rồi chọn
Property, chọn bảng Driver, chọn Update Driver. Sau đó, chỉ đường dẫn đến đĩa
Driver của bạn.
- Card
on-board: Bỏ CD Driver của bo mạch chủ vào, nếu đĩa có Autorun thì quá tốt,
bạn chỉ việc bấm chuột và... bấm chuột để cài đặt driver. Trong trường hợp không
có chương trình tự động cài trên đĩa, bạn tìm thư mục driver đúng với hiệu bo
mạch chủ của mình, trong đó sẽ có thư mục LAN hoặc gần giống như thế, chạy file
setup và khai báo thông số cho card mạng của mình. Trong một vài trường hợp, bạn
sẽ bị hỏi IP (tuy nhiên, bạn có thể điền đại, hoặc để IP tự động trong giai đoạn
đầu này cũng được).
Sau khi cài xong, làm sao biết bạn đã cài đúng? Có hai cách kiểm tra:
- Vào System / Hardware Device, nếu có ô Network Adapter (không bị dấu “?” hay
“!”, bấm chuột vào thì thấy dòng “This device function normally” chuyển sang
Driver thì thấy có driver, tức là card mạng tốt.
- Sau bước trên, hãy mở cửa sổ DOS (Dos Prompt) bằng cách chọn Start / Run rồi
gõ lệnh CMD (Win2k trở lên) và Command (Win98). Tại dấu nhắc DOS, gõ lệnh PING
127.0.0.1 - nếu thấy có dòng “Reply from 127.0.0.1...” bốn lần, nghĩa là card
mạng hoạt động tốt. Còn khác đi, nghĩa là bạn cần kiểm tra lại việc cài đặt
driver, hoặc xem xét lại card mạng.
Cáp mạng
Hiện có hai loại cáp dùng cho các mạng LAN là CAT5 UTP (cáp đồng tám dây) và cáp
BNC (Cáp đồng trục - coaxal). Trong việc thiết đặt mạng LAN, người ta thường
dùng UTP vì những lợi ích của nó như rẻ, dễ lắp đặt, tốc độ cao. Cáp UTP đi với
các đầu RJ-45 làm giao tiếp đấu nối. Khi mua cáp, bạn có thể mua sẵn cáp đã bấm,
hoặc cáp chưa bấm và đầu RJ-45 để riêng về... tự bấm (bạn phải có kềm chuyên
dùng bấm đầu cáp mạng RJ-45).
Đến đây, bạn có hai trường hợp:
- Bạn chỉ có hai máy nối nhau: Dễ quá, chỉ cần một sợi cáp UTP được bấm sẵn nối
hai card mạng của hai máy lại với nhau. Chú ý: Khi mua dây, nên nói rõ với người
bán là bạn mua dây nối trực tiếp hai máy tính với nhau, không qua các trạm
“trung gian”. Người bán sẽ bấm cho bạn loại dây “chéo” (Crossover), chỉ dùng để
nối trực tiếp hai máy tính.
- Bạn có trên hai máy: Bạn sẽ mua một thiết bị gọi là Hub hay Switch (có Switch
thì mua Switch). Đây là một thiết bị độc lập, chạy nguồn riêng, đóng vai trò một
bộ trung tâm, có nhiệm vụ điều hướng các luồng dữ liệu để các máy có thể liên
lạc với nhau một cách chính xác. Bạn không cần phải cấu hình bất cứ thứ gì với
thiết bị này. Tất cả những gì bạn cần làm là cắm điện Hub và nối các card mạng
của các máy khác nhau vào các cổng của Hub bằng dây “thẳng” (Straight Through).
Tuỳ theo bạn có bao nhiêu máy mà mua Hub hay Switch có bao nhiêu cổng, có thể
mua dư vài cổng nếu muốn mở rộng sau này.
Sơ đồ nối dây
Lời khuyên: Tuyệt đối không được lẫn lộn hai
loại dây với nhau vì khi tín hiệu không đúng, có thể dẫn đến cháy cổng. Nên đánh
dấu lại dây nào là thẳng, dây nào là chéo.
Về cách bấm cáp mạng như thế nào, hẹn các bạn trong một chuyên đề sau, vì đây là
vấn đề tương đối phức tạp.
Khi đi dây, có vài nguyên tắc mà bạn phải tuân thủ:
- Nếu có thể thì đi dây ngầm, khuất, tránh đi dây lộ thiên vì dễ bị va chạm (có
thể làm cho dây đứt ngầm).
- Đi dây luôn cách xa đường điện, vì điện trường sinh ra bởi dây điện sẽ làm ảnh
hưởng (nhiễu) đến dữ liệu truyền tải trong cáp mạng. Đi dây cách xa các thiết bị
phát sóng, phát từ, gây nhiễu như bóng đèn huỳnh quang, điện thoại mẹ bồng con,
v.v... để tránh nhiễu.
- Khi đi dây, chú ý đừng để dây bị xoắn, thắt nút, gãy hay tróc đi lớp cao su
bên ngoài.
- Giới hạn độ dài của cáp UTP CAT5 là 100m nhưng không nên kéo dài quá 85m vì dễ
bị nhiễu và tín hiệu cũng suy giảm mạnh.
Khi cắm dây vào Switch, Hub hay card mạng, hãy để ý các đèn LED trên đó. Thông
thường có hai đèn, một là Link, một là Activity. Link là đèn báo hiện tại đang
có kết nối hiện hữu (có tín hiệu điện từ hai phía), trong khi Activity là đèn
báo hiện đang có thông tin di chuyển trên mạng. Ngoài ra, các thiết bị đời mới
còn có đèn LED hai màu cho biết tốc độ hiện hành của kết nối là 10MB hay 100MB.
Cấu hình mạng
Đối với mạng gia đình, đơn giản nhất là cài đặt mạng theo mô hình “Peer-To-Peer”
(mạng ngang hàng), tức là mạng máy tính mà trong đó các máy đều có quyền hạn như
nhau, vừa là chủ (server), vừa là khách (client). Mỗi máy đều có thể chia sẻ tài
nguyên của mình (đĩa cứng, máy in, ứng dụng) với các máy được kết nối khác trong
mạng, thậm chí chia sẻ cả đường truyền Internet (tất cả các máy đều có thể truy
cập Internet chỉ với một modem và một đường điện thoại duy nhất). Hiện nay, sử
dụng giao thức mạng TCP/IP là tối ưu vì có thể dể dàng tạo mạng cục bộ, mạng
Intranet và kết nối với Internet.
|