Trang chu | Huong dan Thue | Lien lac | Dich vu | Download  | Phan mem vi tinh | Phan mem Mobile phone

 

Gia phả dòng họ Nguyễn Văn

Tư liệu dưới đây được lấy từ công trình xây dựng gia phả của bác ruột thứ mười một Nguyễn Văn Hàm và anh con bác ruột thứ  sáu (Nguyễn Diễn) là Bác sĩ Nguyễn Thái Uyên .

Ngoài ra Bác sĩ Nguyễn Thái Uyên còn viết 1 chương trình Gia phả bằng ngôn ngữ VB.Net , chúng tôi sẽ đưa lên trang này để những ai cần có thể download về sử dụng .

Mọi thông tin, đóng góp xin liên hệ với ông Nguyễn Văn Hàm hay Nguyễn Thái Uyên theo địa chỉ sau.

Nguyễn Văn Hàm : 175/817 Lý Thường Kiệt Phường 8 Tân Bình TPHCM - ĐT: 08. 8658368 - 098.99.89.322 Email : nguhamien@yahoo.com

Nguyễn Thái Uyên 135B1 Lầu 1 C/C Nguyễn Tri Phương, Phương 8 Quận 5 TPHCM ĐT : 08.9236047 - 0908.687011 Email : bsuyenqn49@hcm.fpt.vn

 

 
 

TÓM LƯỢC LỊCH SỬ HỌ NGUYỄN

 

I / NHÂN CHỨNG LỊCH SỬ

 

1 / Một số nhà bác học Pháp như AUROUSSEAU và MASPÉRO, cho rằng người Kinh Việt Nam hiện nay là kết quả của mộ sự lai tộc hợp chủng kéo dài hàng nhiều ngàn năm, giữa người Việt cổ ở hạ lưu sông DƯƠNG TỬ GIANG (nay là sông TRƯỜNG GIANG) bên Trung Quốc, với người HÁN - người MƯờNG - người THÁI - người MÃ LAI , và sau nầy với các nhóm người CHÀM, người KHƠ-ME… trên một địa bàn rộng lớn ven biển từ Bắc vào Nam, Vượt núi Ngủ Lĩnh, qua châu thổ sông Hồng, đi dọc dãy núi Trường Sơn, vào đến đồng bằng sông Cửu Long, ra tận mũi Cà Mau. Đó là sự hợp chủng và hòa nhập văn hoá giữa người gốc đại chủng tộc Mông Cổ (Mongoloid) và người gốc Nam Á gọi là Polynésien.

 

2 / Chúng ta cũng chẵng có gì để ngại ngùng khi nghĩ rằng có thể tổ tiên chúng ta, vào thời VIỆT VƯƠNG CÂU TIỄN đã có lần đánh bại nước NGÔ hùng mạnh. Nhưng trước sức bành trướng mãnh liệt có tính chất du mục và thiện chiến của người Hán, người Việt với nền văn minh luá nước của mình đã phải bỏ chạy dần về phía Nam. Các cộng đồng MÂN VIỆT, ÂU VIỆT, KHƯƠNG VIỆT VÀ NAM VIỆT… đã sớm bị thôn tính và đồng hóa. Cuối cùng chỉ còn có mỗi LẠC VIỆT là tồn tại như một phép màu của Thượng Đế, nhưng cũng đã từng phải chịu nhiều tổn thất do phải chịu sự đô hộ cả

ngàn năm và do phải chiến đấu tự vệ .

 

3 / Như vậy, nguồn gốc các dòng họ của Việt Nam ngày nay có thể dính dáng một cách mật thiết với người Trung Quốc như ta có thể thấy trong các tương đồng về văn hóa.

Theo một câu trong sách cổ : “… Vương , Tạ, Đào, Nguyễn phú quý phong lưu…” thì họ Nguyễn là một trong 4 tộc họ danh giá của thời bấy giờ. Nhưng ông họ Nguyễn xa xưa nhất mà chúng ta đã được biết qua đọc trong sách sử là “ Nguyễn Tịch Xương Cuồng” trong bài Đằng Vương Các Tự của Vương Bột, thì sách “Cổ Văn Quan Chỉ” chú thích rằng ông ấy người đời Tam Quốc (thế kỷ 3 sau Công Nguyên).

Một cuốn sách khác nói tên vị thần núi Tản Viên trong truyện Sơn Tinh Thủy Tinh đời vua Hùng Vương là Ngài NGUYỄN TUẤN. Chúng ta chưa rõ đời vua Hùng Vương nói ở đây là nhằm vào năm nào,nên không biết giữa ông Nguyễn Tịch và Nguyễn Tuấn ai lớn tuổi hơn ai.

 

4 / Nhưng chính thức và chắc chăn nhất là vào năm 924 đã xuất hiện Ngài NGUYỄN BẶC, được hầu hết người họ Nguyễn ở Việt Nam xem là Viễn Tổ, Ngài cùng tuổi, cùng quê với ĐINH BỘ LĨNH, tỉnh Thái Bình. Ngài giúp bạn dẹp loạn 12 Sứ Quân. Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi là Đinh Tiên Hoàng, Ngài làm Khai Quốc Công Thần, được phong là Định Quốc Công. Năm 978, sau khi Đinh Tiên Hoàng bị đầu độc chết thì có cuộc đảo chính cung đình, Thái Hậu Dương Vân Nga đã đưa Lê Hoàn lên ngôi. Vì Trung Nghĩa, Ngài chống lại việc nầy và đã bị giết. Con cháu Ngài chạy tản lạc, hoặc vào Thanh

Hoá (ở Gia Miêu Ngoại Trang), hoặc ra sông gần Thăng Long, hay xuống Hưng Yên và Bắc Ninh.

 

5 / Năm 1010, con của vua Lê Đại Hành là Lê Long Đỉnh bạo ngược, một nhà sư họ Nguyễn ( Sư Vạn Hạnh NGUYỄN KHUÔNG VIỆT) , giúp đỡ và vận động để đưa người con của mình, Thập Đạo Tướng Quân Công Uẩn lên ngôi là Lý Thái Tổ. Có lẽ vì lý do thể thống, Công Uẩn đã mang họ LÝ. Ông lập ra triều đại hiển hách cả về văn trị lẫn võ công.

Nhiều người đã được ban quốc tính ( họ Lý của Vua ). Cai trị suốt 215 năm, đến năm 1225, mệnh trời về Nhà Trần. Sau cuộc mưu giết hại các tôn thất Nhà Lý của Trần Thủ Độ, nhiều người họ Lý hoặc bỏ ra đi, như Hoàng Tử Lý Long Tường bơi thuyền đến tận Triều Tiên xa xôi, hoặc đổi lại ra họ Nguyễn. Họ Nguyễn vì vậy lại càng đông thêm.

 

6 / Trước khi mất ( năm 1308 ) Thượng Hoàng Trần Nhân Tông có vào thăm đất Chiêm Thành, thuận gã Huyền Trân Công Chúa cho Vua Chiêm, lấy sính lễ là Châu Ô và Châu Rí (đất Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay ), chẵng rõ người Kinh có vào ở đấy từ bấy giờ hay khong ? Cuối đời Nhà Trần ( 1225 - 1400 ), Nhà Hồ tiếp ngôi, rồi quân Minh xâm lăng nước ta, đến đây lại xuất hiện một nhân vật lịch sử kiệt xuất : NGUYỄN TRÃI . Văn võ kiêm toàn, ông là Đệ Nhất Công Thần trong cuộc trường kỳ kháng chiến thắng lợi chống quân Minh. Nhưng cũng như Định Quốc Công, ông tổ 16 đời trước

của ông, vị danh nhân thế giới nầylại chịu một số phận cực kỳ bi đát : Nguyễn Trãi do vụ Án Lệ Chi Viên bị khép tội tru di tam tộc. Lần thứ ba trong lịch sử, con cháu họ Nguyễn phải chạy trốn bạo quyền, phải đổi tên đổi họ, có một nhánh chạy lên Cao Bằng đổi thành họ BẾ.

 

7 / Mãi đến sau khi Lê Thánh Tông lên ngôi, vụ án Lệ Chi Viên mới được minh oan. Năm 1471, Lê Thánh Tông ngự giá thân chinh đánh Chiêm Thành tận thành Đồ Bàn (cổ thành Bình Định, gần Quy Nhơn ngày nay ), Tài liệu xưa ghi chép rằng trên đường về Vua Lê Thánh Tông có để lại một vị Tướng họ Nguyễn cai trị đất Mộ Hoa ( gồm 2 huyện Mộ Đức và Đức Phổ ngày nay ), đóng ở Văn Hà, Trà Câu. Đó là Ngài Nguyễn Trọng Nghĩa, sinh năm 1440, cháu đời thứ 18 kể từ Ngài Nguyễn Bặc. Ông đỗ Tiến Sĩ năm 1465, và sinh ra ông Nguyễn Trọng Đạo là Thỉ Tổ họ Nguyễn ở Trà Ninh - Mộ Đức và họ Nguyễn Khả (Lân) ở Tịnh Hiệp - Sơn Tịnh. Phải chăng họ Nguyễn đ4a đến Quảng Ngãi vào cuối thế kỷ thứ 15 nầy ?

 

8 / Dù sao, đầu thế kỷ 16, Thuận Hóa còn chưa mấy ổn định, nên Chúa Trịnh Kiểm mới chịu cho NGUYỄN HOÀNG vào khai phá bình định ở đấy năm 1558. Đông đảo họ Nguyễn đã theo ông trong chuyến di cư nầy, tất nhiên cùng với nhiều dòng họ khác. Nhưng lúc ấy Thuận Quảng còn đang phải mở mang, Nguyễn Hoàng phải mềm mỏng. Năm 1593, ông ra viếng tang lễ Vua Lê và bị cháu kêu bằng cậu là Chuá Trịnh Tùng giữ lại ở Thăng Long mãi đến năm 1600, ông phải lấy cớ đi dẹp giặc ở cữa Đại An, rồi giong buồm chạy tuốt vào Nam. Chắc rằng trong chuyến đi lần nầy không có nhiều bà con dòng họ đi theo di dân, nhưng họ Nguyễn đã có ít nhất 2 nguồn gốc ở đất Quảng rồi vậy, và nhiều tộc họ Nguyễn cũng có lẽ xuất phát từ đó trong đó có DÒNG HỌ NGUYỄN VĂN đất Thi Phổ nầy.

 

II / TRUY NGUYÊN DÒNG HỌ

 

Họ Nguyễn Văn nầy, theo tất cả những chứng cứ và sự hiểu biết về nguồn gốc còn sót lại được khởi phát từ Ngài NGUYỄN ĐĂNG QUANG, kể là đời Thứ Nhất, gắn chặt vào đất THI PHỔ của Châu MỘ HOA xưa, nay là Huyện Mộ Đức, và đã được Triều Đình Nhà NGUYỄN Phong Hiệu là Hậu Hiền ( Tiền Hiền là Họ TRẦN ). Riêng Ngài Nguyễn Đăng Quang đã được Phong Tước là DỰC BẢO TRUNG HƯNG LINH PHÒ CHI THẦN, lăng mộ hiện nay tọa lạc tại xứ Gò Ngu, thôn Phước Chánh, xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Gia phả của các dòng họ, chủ yếu là lần theo các bậc tiên bối để xác định niên đại và thứ bậc của các vị tổ tiên, càng về trước bao nhiêu càng tốt. Thường thì chúng ta lần đi từ thế hệ hiện tại trở về quá khứ, lên các đời cha - ông - cố - cao …

Có nhà lần lên được 6 - 7 đời; có nhà lần lên được 12 - 13 đời; thậm chí 15 - 20 đời. Người xưa thường nói “ Tam thập niên vi nhất thế… “, lấy cái chuẩn là 30 năm cho một thế hệ mà tính là tương đối chuẩn xác, vì độ tuổi bắt đầu sinh con cái để lưu truyền dòng giống trung bình là từ 20 đến 30 tuổi. Ví dụ như riêng về nhánh của chúng tôi trong dòng họ Nguyễn Văn, có người con trưỡng ( là anh của Ông Nguyễn Văn Hàm) thuộc đời thứ 11 , mà người anh cả nầy sinh năm 1915. Chúng ta có thể áng chừng Ngài Thỉ Tổ cách chúng ta khoản 11 X 30 = 330 năm. Có nghĩa là Ngài vào đất Quảng vào năm 1915 - 330 = 1585

Ta thấy niên đại đó cách năm Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa : 1585 - 1558 = 27 năm.

Một con số có thể chấp nhận là đúng vì sai số cho từng đời là nhỏ : 27 / 11 # 2 năm.

Tuy Bản Gia Phả nầy đã được sự đóng góp của rất nhiều nguồn từ những bà con thân thuộc còn lưu giữ được giấy tờ minh chứng và trí nhớ cùng sự nổ lực rất lớn của những người soạn thảo nhưng vẫn không thể tránh khỏi thiếu sót mà không thể kiểm chứng được. Vì vậy xin đề nghị các gia đình trong tộc họ đọc kỷ và không ngừng đối chiếu với các vị thần chủ hai bên nội ngoại mà mình biết, hỏi thăm các vị trưỡng thượng còn sống, ghi chép - thông báo cho nhau để kiểm lại và đính chính, cũng như lưu giữ cho con cháu mai sau truyền xem.

Ngài Thỉ Tổ chỉ sinh hạ hai người con mà một lại vô tự, chỉ có một người là dòng chính có con, đó là đời thứ II. Đến đời thứ III mới phân thành 2 phái Trưỡng và Thứ vì đời III nầy cũng chỉ có 2 người, Trưỡng Nam và Thứ Nam. Về các đời sau lại còn phân chi ra nhiều nhánh trưỡng thứ nữa, nhưng nói chung vẫn còn ở gần nhau tại đất Mộ Đức và Thi Phổ.

Gia Phả được chia thành 2 phần cho 2 phái Trưỡng và Thứ, kể từ đời thứ III. Phái Trưỡng được vẽ từ trang 4 đến trang 10, còn Phái Thứ là từ trang 11 đến trang 20.

 

Mọi thông tin, đóng góp xin liên hệ với ông Nguyễn Văn Hàm hay Nguyễn Thái Uyên theo địa chỉ sau.

Nguyễn Văn Hàm : 175/817 Lý Thường Kiệt Phường 8 Tân Bình TPHCM - ĐT: 08. 8658368

Nguyễn Thái Uyên 135B1 Lầu 1 C/C Nguyễn Tri Phương, Phương 8 Quận 5 TPHCM ĐT : 08.9236047

 
  PHÁI TRƯỞNG  
 
 
 
 
 
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
   
     
Trang chu | Huong dan Thue | Lien lac | Dich vu | Download  | Phan mem vi tinh  | Phan mem Mobile phone
Copyright © 2006 Nguyen Thien Nhung. All rights reserved.
Designed by Nguyen Thien Nhung